Hoằng Tiến có 04 di tích đã được xếp hạng. Mỗi di tích đều mang trong mình những giá trị văn hóa lịch sử,cách mạng thể hiện khí phách của người dân Hoằng Tiến trong suốt chiều dài lịch sử.

I. Các di tích được xếp hạng cấp quốc gia:

1. Kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Tô Hiến Thành - Tiền thôn xã Hà Lộ xưa, nay là xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Nghè Hà Lộ, đền thờ Đức Thánh Cả - Tô Hiến Thành hay còn gọi là đền thờ Sát Hải Đại Vương là những tên mà nhân dân địa phương thường quen gọi. Theo thần tích của làng thì tên thần là Hà Lộ (tên gọi của núi Hà Rò, tức núi Trường thuộc xã Hoằng Trường), tên thật của thần là Hoàng Tô, tước hiệu là Hoàng Minh, mỹ hiệu là Tô Đại Liêu, duệ hiệu là Sát Hải Đại Vương.

Đền thờ Đức Thánh Cả - Tô Hiến Thành nằm tọa lạc trên khu đất rộng gần 10.000 m2, cách biển chừng 800m, thuộc địa phận thôn Tiền Thôn của xã Hoằng Tiến, qua nhiều năm, đền thờ Tô Hiến Thành đã được nhân dân địa phương và con em xa quê tôn tạo khang trang hơn, nhưng vẫn giữ được nguyên bản vẻ đẹp kiến trúc vốn có của đền.

Cho đến đầu thế kỷ XIX, chúng ta biết được cái tên Hà Lộ một cách rõ ràng. Xã Hà Lộ thuộc tổng Kim Xuyết, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, trang 108 - 1981). Xã Hà Lộ có hai thôn đó là thôn Văn và thôn Tiền Cựu, trong đó thôn Tiền Cựu là thôn có di tích đền thờ Đức Thánh Cả - Tô Hiến Thành.

Sau cách mạng Tháng Tám 1945 thì xã Hà Lộ được sát nhập thêm hai thôn nằm trong xã Hoằng Yến. Đến năm 1953 phong trào cải cách ruộng đất, việc phân chia lại đất đai và đặt tên mới, thì Tiền Thôn nằm trong xã Hoằng Tiến.

Di tích thờ Thái Phó Tô Hiến Thành, một bậc đại thần dưới triều Lý (thế kỷ XII), có tài trị nước, thẳng thắn, cương trực và biết dùng người. Không những là một võ quan giỏi ông còn chú trọng cả văn hóa và sùng mộ Nho học.

Qua thần tích và các nguồn sử cũ thì chúng ta biết chắc được mỹ hiệu Tô Đại Liêu, tức là Tô Hiến Thành (từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, trang 150,1990). Tô Hiến Thành là một đại thần có tước vương làm việc trong phủ Liêu của triều Lý (dưới thời vua Lý Anh Tông, 1138 - 1175). Trong ba tên gọi trên của đền thì tên gọi đền thờ Đức Thánh Cả - Tô Hiến Thành mà nhân dân quen gọi.

Thần tích đền "Chính Từ", cho biết ông sinh ra và lớn lên ở đất Thanh Hóa. Tô Hiến Thành nổi tiếng là một người văn võ toàn tài, ông mất vào tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179). Nhớ ơn ông, cảm phục tài đức của ông, nhân dân Thanh Hóa đã lập đền thờ ở nhiều nơi . Trong đó đền thờ ở Tiền Thôn xã Hoằng Tiến ngày nay là có quy mô lớn và bề thế. Người dân Hoằng Tiến đã tôn ông làm Thành hoàng của làng và gọi ông là Đức Thánh Cả hay là Sát Hải Đại Vương.

Đền thờ Đức Thánh Cả, hay là nghè Hà Lộ là nơi thờ Tô Hiến Thành, một danh nhân lịch sử của đất nước ở thế kỷ XII (triều Lý).

Trong 216 năm tồn tại của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhà Lý đã có những đóng góp to lớn cho việc xây dựng một nền móng vững chắc cho các vương triều về sau. Những nhân vật nổi tiếng có công giúp các vua Lý trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước phải kể đến như: Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành. Tô Hiến Thành, Lê Phụng Hiểu… trong số những con người đó thì Tô HIến Thành là một bậc đại thần được sử sách ghi nhận và nhân dân ca ngợi. Khi ông mất, nhiều nơi trên đất nước ta đã lập đền thờ ông. Riêng ở Thanh Hóa có 72 đền thờ ở khắp mọi nơi, nhưng tập trung nhất là ở vùng ven biển.

Theo tài liệu lịch sử, truyền thuyết, thần tích còn lại ở Tiền Thôn, xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết:

Tô Hiến Thành, tự Hoàng Minh, húy Tô.

Tước hiệu: Đại Vương tướng quân

Mỹ hiệu: Tô Đại Liêu

Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1102) - mất ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179) , ông sinh ra ở Xóm Lẻ - thuộc làng Hạ Mỗ - Xã Hạ Mỗ - huyện Đan Phượng - tỉnh Hà Tây (cũ), (nay thuộc huyện Đan Phượng, Tp.Hà Nội). Tô Hiến Thành được đề cập lần đầu trong sử sách do vai trò của ông trong việc bình định nổi loạn Thân Lợi.s

Sự thực tài liệu về nguồn chính sử cho biết cuộc đời và sự nghiệp của Tô Hiến Thành như sau: Đầu đời Lý Anh Tông Tô Hiến Thành giữ chức Thái phó, coi giữ việc binh. Lần theo Đại Việt sử ký toàn thư ta sẽ thấy các hoạt động cuat Tô Hiến Thành như sau:

-   Tháng 11 năm 1161, Tô Hiến Thành và Đỗ An Dy đi tuần các nơi ven biển Tây Nam để giữ yên bờ cõi.

-   Tháng 7 năm 1167 triều đình nhà Lý cử Tô Hiến Thành đem thủy quân đi đánh Chiêm thành.

-   Tháng Giêng năm 1175, vua Lý Anh Tông ốm nặng lệnh cho Tô Hiến Thành giúp Thái tử Long Trát (do Thái tử còn quá nhỏ tuổi)

-   Tháng 7 năm 1175 vua Lý Anh Tông băng hà ở điện Thụy Quang, thọ 41 tuổi, ở ngôi 39 năm. Thái tử Long Trát lên ngôi (tức Lý Cao Tông) khi ấy mới hai tuổi, mẹ đẻ là Đỗ Thị được làm Hoàng Thái Hậu, Tô Hiến Thành làm phụ chính.

Rõ ràng, Tô Hiến Thành là một con người tai năng, đức độ. Là người luôn nghiêm hiệu lệnh, rõ thưởng phạt, ông được các vua Lý tin dùng và phong tới đỉnh cao của nấc thang danh vọng. Năm Trinh Phù thứ 4 (1179), ông lâm bệnh, trước khi mất còn tiến cử người hiền để thay công việc của mình. Sau khi ông mất nhiều Nơi trong nước nhân dân đã lập đền thờ ông.

Riêng trên địa bàn Thanh Hóa, ngoài “Chính từ” là ngôi đền ở xã Hà Giang huyện Hà Trung thì ở xã Hà Lộ (nay là xã Hoằng Tiến) huyện Hoằng Hóa, nhân dân nhớ sự tích Tô Hiến Thành đã dừng chân ở địa phận xã khi đi tuần ven biển, bèn tôn ông là Đức Thánh Cả hay là Sát Hải Đại Vương thờ làm thần Thành hoàng của làng.

Đền thờ Đức Thánh Cả - Tô Hiến Thành thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật.

Di tích đền thờ Tô Hiến Thành được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1997

Tô Hiến Thành làm quan trong triều, khi ông mất, hiện nay chưa có tài liệu nào nói đến một cách chắc chắn là mộ ông ở đâu, các tài liệu truyền thuyết, thần tích thì ta biết được Tô Hiến Thành sinh ra ở Thanh Hóa. Khi làm quan trong triều ông có đi tuần các vùng ven biển Thanh Hóa.

Do thời tiết khắc nghiệt, nên đền cũng bị hư hại nhiều. Qua nhiều năm, do có ý thức bảo vệ của dân làng nên hiện tại ngôi đền vẫn giữ nguyên được diện mạo và dáng vẻ ban đầu. Hiện nay đền được nằm trên một khu đất rộng, nghênh môn đằng trước bằng gạch, đã hư hại nhiều, hiện trạng đó cho thấy kiến trúc được dựng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Quần thể kiến trúc này bao gồm: tòa Tiền đường đằng trước, đằng sau gồm tòa Bái đường, tòa ống muống và Hậu cung, liên kết với nhau trong một bố cục mặt bằng kiểu chữ Công. Bên phải tòa Bái đường có một giếng nước, chếch về đằng sau, bên trái là kiến trúc tòa mẫu mới được xây dựng gần đây, quy mô nhỏ với mặt bằng hình chữ đinh. Một lớp tường hoa thấp xây gạch làm ranh giới giữa kiến trúc này với bãi đất rộng đằng trước.

Cổng nghênh môn là một tòa nhà 3 lớp 2 mái, tường bít đốc. Ở 4 góc có 4 cột trụ vuông chắc chắn, phía chân 4 cột trụ này được đắp 4 con giống hình hổ phù. Bờ nóc và bờ giãi đắp vữa, to mập, có đường gờ nổi tạo cho các bờ giãi nay sự tinh tế đẹp mắt. phía trên cùng hai bên tường đốc được đắp hai hình đấu trụ hai bên đốc vì được đắp nổi hình mặt hổ phù. Bộ mái được lợp bằng ngói mũi thông thường. Nghênh môn có một cửa vòm cuốn đi vào, không có cánh cửa. Phía trong được cấu tạo thành 3 lớp cửa vòm cuốn có kích thước bằng nhau cả chiều rộng và độ cao. Do lâu ngày bị mưa nắng phá hủy, phần mái phía trước bị sụt lở khá nhiều.

Nhìn chung, toàn bộ nghênh môn được xây dựng như một cái nhà chỉ có điều phía bên trong không thể bố trí được gì ngoài việc có tác dụng đi lại. Vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gạch, vôi vữa, không có gỗ. Lối kiến trúc cổng nghênh môn hoàn toàn bằng chất liệu trên, phần nào thích hợp với một vùng đất gần biển do có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.

Bước qua cổng nghênh môn là một sân rộng bằng đất nện, nay đã được lát gạch chỉ đỏ, có 3 phía tường bao bọc. trong sân được trồng các loại cây cảnh và các loại cây tỏa bóng mát. Tiếp giáp với sân là khu vực Tiền đường, hiện nay toàn bộ khu vực Tiền đường đã được di chuyển đến một khu vực khác thành nhà truyền thống của xã. Bởi vậy diện tích đất khu vực tiền đường vẫn còn để trống, tạo thành một chiếc sân nửa trước khu vực Hậu cung.

- Lễ hội: Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày đầu tháng 2 âm lịch, nhân dân xã Hoằng Tiến và khách thập phương quanh vùng lại hân hoan phấn khởi, náo nức chuẩn bị cho lễ hội xuân- là lễ hội lớn nhất trong năm và được diễn ra nơi trang nghiêm, tôn kính: đền thờ Tô Hiến Thành-  1 di tích lịch sử văn hóa được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1997, không chỉ đời đời ghi nhớ công ơn của bậc hiền tài Tô Hiến Thành có công cứu nước, giúp dân dẹp giặc ngoại xâm mà còn như biểu tượng về tinh thần đoàn kết của tổ tiên ngay trong những ngày bình minh của lịch sử xã nhà. Từ thời nhà Lý, triều Lý Anh Tông (1138- 1175) xã Hà Lộ có 4 làng: làng Tiền, làng Tán, làng Hậu và làng Định đã chung sức xây dựng nên đền thờ Đức Thánh Đại Giang (hay gọi là nghè Thánh Cả), ghi công ơn 1 vị thần từ thời nhà Lý đến thời nhà Trần có công đánh giặc ngoại xâm. Thánh vị và thần phả còn lưu giữ tại đền được ghi là “Đại giang, Quý công mạnh lang, hoàng minh, Tự tô đại liêu, thác tích Tô Hiến Thành”, và từ đó, qua đời này đến đời khác, nhân dân xã Hà Lộ nay là xã Hoằng Tiến luôn bảo tồn, thờ phụng và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của đền thờ Tô Hiến Thành.

Trong không khí linh thiêng, trang trọng, lễ hội kỳ phúc truyền thống ở Hoằng Tiến diễn ra tại đền thờ Tô Hiến Thành, tái hiện nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống, biểu tượng của ý chí kiên cường đấu tranh bảo vệ quê hương; Phần tế lễ là phần tổ chức nghi lễ tế thần, kiệu Đức thánh Đại Giang được rước về ngự tại làng Đông Thành và nhân dân của 5 làng trong xã cùng các dòng họ, bản hội sẽ dâng mâm lễ cùng đoàn rước kiệu về đến đền thờ Tô Hiến Thành để bắt đầu khai mạc lễ hội - điều này có ý nghĩa rất linh thiêng từ xa xưa đến nay. Sau phần tế lễ, rước kiệu là phần hội, phần hội sẽ được tổ chức nhiều chơi dân gian, mang đậm nét truyền thống như: đánh đu, chơi bài điếm, thi gói bánh chưng, cờ tướng, đi cầu khỉ và nhiều trò chơi thú vị khác, thu hút đông đảo nhân dân trong xã và khách thập phương tham gia.

 

II. Các di tích được xếp hạng cấp tỉnh:

1. Di tích cách mạng  gia đình Ông Lê Quang Trường - xã Hoằng Tiến: được xếp hạng xấp tỉnh năm 2000.

Đồng chí Lê Quang Trường (1902 - 1079) sinh ra tại Xóm chợ, thôn Kim Đính, xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống yêu nước, có ông nội sinh quán tại làng Vĩnh Trị - Hoằng Quang, cũng tham gia phong trào Cần Vương và khởi nghĩa Ba Đình chống thực dân Pháp xâm lược. Đầu thế kỷ XX phong trào Duy Tân, Gia đình đồng chí Lê Quang Trường đã trở thành nơi tụ hội của nhiều nhà khoa bảng và nho sĩ tiến bộ trong vùng. Năm 1942 - 1943 một số chiến sĩ cộng sản Tỉnh nhà và đồng chí Tố Hữu vượt ngục trở về Thanh Hóa, đã bắt mối đến cơ sở cách mạng là nhà đồng chí Lê Quang Trường, từ đây gia đình đồng chí Trường được tổ chức thành cơ sở cách mạng quan trọng của Tỉnh ủy Thanh Hóa trong thời kỳ thành lập Mặt trận Việt Minh.

2. Từ đường họ Lê Duy - xã Hoằng Tiến: được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2003. Được xây dựng từ thế kỷ XVIII triều vua Tự Đức, nơi đây thờ các vị tổ khai sáng và phát triển dòng họ là đệ nhất công thần có những đóng góp to lớn trong lịch sử dân tộc của dòng họ Lê Lai trong suốt nhiều thế kỷ trong đó có triều Lê Sơ, Lê Lai, Lê Lâm, Lê Niệm cùng cụ tổ đời thứ 16 là bà cô tổ Tự là Ngọc Oánh còn gọi là Bà Quận Nghĩa, hai cô cháu có công đến khai khẩn đất hoang vùng ven biển Hoằng Tiến, sáng lập ra cành họ Lê Duy ở đây, cũng là người xây dựng từ đường dòng họ Lê Duy là công trình kiến trúc điều khắc kiến trúc gỗ còn khá nguyên vẹn mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn khá trọn vẹn.

 3. Nhà thờ Đội Tám Lê Xuân Tuyển - xã Hoằng Tiến : được xếp hạng DTLS Cách mạng cấp tỉnh năm 2006. Lê Xuân Tuyển - một nghĩa sĩ Cần Vương chống Pháp tiêu biểu hồi cuối thế kỉ XIX) ở làng Đông Thành, xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa. Năm 1851 Đội Tám được tuyển vào lính triều Nguyễn, giữ chức Điền thế hữu thủy vệ nhất đội binh (tức lính thủy). Do lập được nhiều công lao trong các lần áp tải thuyền chở tiền, chở lương bằng đường biển về triều đình được an toàn mà đến năm 1863 được triều đình phong chức đội trưởng.

Chiến công của Đội Tám được khẳng định: Ông trải qua 10 lần ở chiến trường, 3 năm đạn lạc tên rơi đã có những đóng góp tích cực trong phong trào yêu nước hồi nửa thế kỷ XIX, đối phó chống lại thực dân Pháp xâm lược, giàu lòng yêu nước, thương dân, nhân hậu, hết mình góp sức làm cho làng, xã của mình thêm đổi thay, trù phú xứng đáng được ghi nhận.

 

Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
259064